Phòng ngủ cho người già và trẻ em – Khác mà giống
Cùng là phòng ngủ và cùng được thiết kế cho mục đích chung là ngủ và nghỉ. Thế nhưng do đặc thù tâm lý, sức khoẻ nên phòng ngủ cho người già và trẻ em luôn có những sự khác biệt cần thiết.
Về cơ bản, phòng ngủ cho người già hay trẻ em cũng giống như những phòng ngủ khác. Đáp ứng chức năng chính là ngủ, nghỉ ngơi, có thể kết hợp một vài hoạt động cá nhân khác như học hành, làm việc, giải trí…Song, do đặc thù về sức khoẻ, tâm lý của độ tuổi mà cần những yếu tố khác biệt phù hợp hơn. Nhằm thuận tiện cho việc sử dụng và sinh hoạt hàng ngày. Người già – trẻ em, nghe có vẻ khác biệt nhưng đều cần quan tâm đến cùng một số yếu tố.
MẶT BẰNG ĐƠN GIẢN VÀ MẠCH LẠC
Người già và trẻ em có những hạn chế nhất định về sức khoẻ, khả năng xử lý tình huống…nên việc tổ chức mặt bằng, công năng phòng ngủ cần đơn giản, mạch lạc. Hệ thống nội thất, đồ dùng cũng cần được sắp xếp theo nguyên tắc đó với những phân khu rõ ràng. Tạo nên sự thuận tiện khi di chuyển và sử dụng.
Không nên thiết kế mặt bằng khác thường, giao thông đi lại lắt léo hay vị trí đồ dùng khó tiếp cận.
HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG
Hệ thống chiếu sáng cần được đảm bảo cả trong và ngoài phòng ngủ người già và trẻ em. Do yếu tố sức khoẻ và khả năng nhận thức, xử lý tình huống kém nên rất dễ xảy ra sự cố, trượt ngã hoặc va đập vào đồ đạc khi không đủ ánh sáng. Nên bố trí hệ thống đèn tại những khu vực hành lang, cầu thang, vị trí giao giữa các khu vực chức năng…Tốt nhất nên sử dụng các loại đèn cảm biến để đảm bảo an toàn.
GẦN PHÒNG VỀ SINH
Phòng ngủ cho người già và trẻ em nên ở gần nhà vệ sinh. Trong điều kiện diện tích và cấu trúc hợp lý thì có phòng vệ sinh riêng trong phòng ngủ là tốt nhất. Tránh việc bố trí phòng vệ sinh ở khoảng cách xa, ở tầng khác hoặc những vị trí bất tiện cho việc di chuyển.
Tương tự như phòng ngủ, phòng vệ sinh cần được bố trí đơn giản và khoa học. Các thiết bị trong nhà vệ sinh cần được lắp đặt với vị trí và chiều cao phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
AN TOÀN VÀ THUẬN TIỆN
Đây là một yếu tố rất quan trọng không chỉ liên quan đến sự thuận tiện mà còn đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng. Trong phòng ngủ cho người già và trẻ em không được để những vị trí, cấu tạo kiến trúc, nội thất hay các chi tiết của hệ thống kỹ thuật bất tiện, bất lợi. Chẳng hạn lối di chuyển hẹp, phức tạp, các góc nhọn ở tường hay nội thất, hệ thống điện…gây nguy hiểm.
Tại các vị trí cửa sổ, ban công, logia…phải có lan can đủ chiều cao tiêu chuẩn, thiết kế đảm bảo an toàn. Trong nhà tắm, nhà vệ sinh hoặc những nơi có thể có nước, dễ trơn trượt như ban công, logia…phải sử dụng vật liệu lát nền chống trơn.
Hệ thống điện đảm bảo an toàn. Lựa chọn những thiết bị cho phép tự động ngắt khi có sự cố. Các mặt điều khiển được lắp đặt ở vị trí thuận tiện và đúng độ cao sử dụng…
THOÁT HIỂM
Phòng ngủ cho người già và trẻ em cần dễ dàng thoát hiểm khi có sự cố. Do sức khoẻ và đặc điểm tâm sinh lý mà khi xảy ra sự cố, người già và trẻ em thường dễ hoảng sợ, mất bình tĩnh. Vì thế, thiết kế phòng ngủ cho người già và trẻ em không nên quá kín. Người ngoài có thể dễ dàng nhận biết cũng như người bên trong có thể ra tín hiệu khi cần.
Hệ thống chốt khoá dễ dàng thao tác đóng, mở. Nhất thiết phải để một bộ chìa khoá bên ngoài để có thể kiểm soát và xử lý khi có sự cố.
MỘT VÀI LƯU Ý KHÁC
- Phòng ngủ cho người già và trẻ em đều không nên cách xa khu vực sinh hoạt chung và phòng ngủ của chủ nhân chính trong nhà để tiện chăm sóc sức khoẻ, dễ dàng quản lý, hỗ trợ…Phòng ngủ người già không nên ở tầng quá cao và gần những nơi có nhiều tiếng ồn như karaoke, phòng kỹ thuật…Hoặc phải được xử lý cách âm.
- Tâm lý chung của người già thường thích gần gũi với con cháu. Song họ cũng cần những khoảng tĩnh lặng riêng. Vì vậy, phòng ngủ cho người già cần bố trí những khoảng mở, thoáng đãng…để khi ở trong phòng luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
- Màu sắc, vật liệu phòng ngủ người già nên giản dị. Ưu tiên những gam màu trầm và sáng nhẹ nhàng, tránh những màu rực rỡ. Gỗ là chất liệu rất phù hợp. Hình dáng, đường nét nội thất, trang trí cần đi tới sự tĩnh lại, cân bằng.
- Phòng trẻ em thì có thể sử dụng nhiều màu sắc và chất liệu đa dạng hơn. Đường nét, hình khối có thể tự do, tạo không khí vui tươi.
- Phòng ngủ cho người già cần trù liệu tới yếu tố suy giảm sức khoẻ khi tuổi càng cao. Còn phòng ngủ trẻ em lại cần dự tính cho sự thay đổi về tâm sinh lý, kích thước, độ phù hợp và các nhu cầu khác khi trẻ lớn lên.
>> Xem thêm: 8 lưu ý khi thiết kế phòng ngủ cho người lớn tuổi mà bạn cần biết
(Nguồn: Tổng hợp)